Mặc dù một số tỉnh tại miền Trung đã chuyển đổi thành công, nhưng tại Ninh Thuận, nơi khô hạn liên miên nhưng vẫn sản xuất 3 vụ lúa/năm.
Luôn căng thẳng nước tưới
Tỉnh Ninh Thuận còn có một cái tên khác là “vùng đất lửa”, bởi khô hạn thường xuyên xảy ra. Đất đai ở đây nghèo dinh dưỡng, lớp đất canh tác mỏng, nghèo chất hữu cơ.
Địa hình đặc thù của Ninh Thuận là nhiều đồi núi; núi cao, dốc đứng, chiều dài sườn dốc ngắn nên dễ gây lũ quét vào mùa mưa làm rửa trôi đất canh tác và “gây khó” cho SXNN.
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn Ninh Thuận cũng khá nghèo nàn. Hiện Ninh Thuận có 21 hồ chứa, tưới cho khoảng 31.227ha/năm, 2 hệ thống đập dâng tưới cho khoảng 4.264 ha/năm, 20 trạm bơm tưới 3.350ha/năm. So với thực tế SX, hệ thống thủy lợi ở Ninh Thuận chỉ có thể đáp ứng được 60% diện tích.
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và BVTV Ninh Thuận, diện tích gieo trồng lúa bình quân hàng năm của tỉnh là 42.859ha.
Trong đó, vụ ĐX chiếm tỷ lệ 36,6% tổng diện tích lúa gieo trồng cả năm; vụ HT chiếm tỷ lệ 32,7% và vụ mùa chiếm tỷ lệ 30,7%. Có những năm do thiếu nước tưới nên diện tích SX lúa giảm sâu. Ví như năm 2015, diện tích lúa cả năm ở Ninh Thuận đạt thấp nhất so với mọi năm, chỉ 37.258ha, nguyên nhân do ảnh hưởng của hạn hán nên diện tích gieo trồng trong cả 3 vụ đều giảm.
Càng chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, Ninh Thuận càng bộc lộ rõ mình là “vùng đất lửa”. Như trong vụ HT năm 2020 này, lượng nước chứa trong các hồ ở Ninh Thuận chỉ đạt bình quân khoảng 28% so dung tích thiết kế. Đến cả hồ Sông Sắt là hồ chứa lớn nhất tỉnh mà dung tích chứa chỉ đạt 48%; một số hồ chứa vừa và nhỏ khác hiện chỉ đạt dưới 10%.
“Ví như hồ Sông Trâu hiện chỉ đạt 8%, hồ Sông Biêu đạt 7%, hồ Lanh Ra đạt 7%. Theo đánh giá chung, trong năm 2020, dung tích chứa trong các hồ thấp hơn năm 2019 là 57%, thấp hơn năm 2018 là 50% và tương đương năm hạn lịch sử 2016. Đến đầu vụ HT 2020, hầu hết các hồ chứa nhỏ đều về mực nước chết, thậm chí nhiều hồ cạn kiệt”, ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, cho hay.
Sông, suối ở Ninh Thuận cũng ngắn và dốc nên không giữ được nước. Mực nước trong mùa khô thường hạ thấp, thậm chí có nhiều vùng tất cả các sông, suối đều trơ đáy.
Trước tình hình nguồn nước “nghèo nàn” là vậy mà hiện Ninh Thuận vẫn còn canh tác 3 vụ lúa/năm là một bất cập lớn.
Đặc biệt là vụ mùa (vụ 3), thời vụ gieo sạ tập trung rơi vào khoảng thời gian cuối tháng 8 và trong tháng 9, như vậy thời điểm cây lúa làm đòng, trổ bông nằm trong tháng 11 là mùa mưa lũ chính. Nhiều năm lúa vụ 3 chín chưa kịp thu hoạch đã bị mưa lũ “nuốt” mất.
“Do điều kiện thời tiết nên SX 3 vụ lúa/năm là không thuận lợi. Lúa vụ 3 thường xuyên mất năng suất hoặc mất trắng, nông dân có làm mà không có ăn”, ông Phan Quang Thựu khẳng định.
Sản xuất lúa 3 vụ/năm, thiếu nước, năng suất lúa của Ninh Thuận còn thấp
Nguồn: Báo Nông nghiệp.