ỨNG DỤNG PHÁT HIỆN NHỮNG DẤU HIỆU BỆNH TRÊN CÂY CHUỐI

Chuối có thể được coi như thức quả phổ biến nhất thế giới, với lượng tiêu thụ lên tới 100 tỷ trái một  năm. Nhưng hiện nay lại xuất hiện một loại dịch bệnh trên cây chuối, ảnh hưởng tới hàng loạt vụ chuối, gây tổn thất vô cùng lớn.

Phản hồi trước vấn đề cấp thiết này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một ứng dụng AI trên smartphone với khả năng scan cây chuối, phát hiện dấu hiệu nhiễm bệnh, và cảnh báo nông dân khi vụ mùa của họ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Sau thử nghiệm thực tế tại các quốc gia Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Benin, Colombia, và Uganda, công cụ mới đã cho thấy độ chính xác đạt ít nhất 90% trong việc phát hiện 6 loại bệnh và sâu bệnh nguy hiểm nhất với cây chuối. Sử dụng camera điện thoại, ứng dụng AI mới này đã phát hiện được 2 dịch bệnh nguy hiểm toàn cầu trên cây chuối, cụ thể là Black Sigatoka và Fusarium Wilt.

Đây là một phát minh của các nhà nghiên cứu tại các viện nghiên cứu toàn cầu Biodiversity International và Trung tâm Quốc tế về Nông nghiệp Nhiệt đới, bắt nguồn từ thực trạng đáng buồn của hàng loạt chuối chết bệnh khắp toàn cầu. Các dịch bệnh này gây ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới giống chuối Cavendish – cũng là giống chuối được tiêu thụ nhiều nhất, đặc biệt là trong các cửa hàng thực phẩm phương Tây.

Cũng chính sự yêu thích đối với giống chuối này đã làm dịch bệnh càng nguy hiểm hơn với cây chuối: việc chỉ trồng một giống chuối đã xóa bỏ sự đa dạng sinh học, qua đó làm cây chuối khó phòng tránh dịch bệnh hơn, và dễ dẫn tới việc các mùa vụ bị chết bệnh hàng loạt.

Hiện tại, dịch Fusarium Wilt đã lan qua khắp các trại trồng chuối tại Châu Á và Châu Phi, và mới đây đã lan tới Châu Mỹ La-tinh, trong đó có Ecuador – quốc gia xuất khẩu chuối Cavendish lớn nhất toàn cầu.

Trong ứng dụng smartphone mới ra đời, chức năng dự đoán được xây dụng trên một mô hình máy tính sử dụng thuật toán học máy. Để mô hình đạt được kết quả như hiện tại, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu 18.000 ảnh cây chuối trên khắp thế giới, trong đó có nhiều cây nhiễm bệnh. Bộ dữ liệu hình ảnh này sau đó đã được sử dụng để huấn luyện các mô hình máy tính, qua đó tìm ra được các dấu hiệu của sâu bệnh và dịch bệnh trong hình.

Theo các nhà nghiên cứu, lợi thế mạnh nhất của ứng dụng này chính là tính linh hoạt. Cụ thể, ứng dụng có thể phát hiện dấu hiệu nhiễm bệnh trên mọi phần của cây, cho kết quả chính xác trên cả những ảnh chất lượng thấp và có nhiều vật nền (Ví dụ: có nhiều lá dưới mặt đất). Trong nhiều trường hợp, kết quả dự đoán có thể đạt mức chính xác lên tới 100%.

Sự ra đời của ứng dụng sẽ không chỉ bảo vệ cây chuối, mà còn bảo vệ được nguồn sống cho những hộ nông dân nhỏ lẻ. Những hộ này thường sẽ chỉ dựa vào một lô đất nhỏ để sống, và dịch bệnh lên cây trồng có thể cắt đứt nguồn sống của họ và gia đình. Trong khi đó, với ứng dụng, họ sẽ có thể dễ dàng phòng tránh và phát hiện khi có dịch bệnh.

Ngoài ra, ứng dụng cũng có khả năng hỗ trợ khi cần thiết. Cụ thể, khi dịch bệnh được chia sẻ trực tiếp, những người có chuyên môn sẽ có thể đến tận nơi để hỗ trợ tiêu hủy, ngăn ngừa dịch bệnh.

Và một mạng lưới như vậy cũng chính là mục tiêu phát triển tiếp theo của các nhà nghiên cứu. Họ mong muốn sử dụng ứng dụng này để tạo ra một mạng lưới toàn cầu, kết nối các nông dân, qua đó nông dân có thể chia sẻ thông tin về mùa vụ của mình. Sử dụng các thông tin này, các chuyên gia sẽ có thể xác định khởi nguồn của dịch bệnh, qua đó tìm phương thức hạn chế các ảnh hưởng của nó.

Ứng dụng hiện được đặt tên là “Tumaini”, tức “hy vọng” trong tiếng Swahiki. Bởi lẽ, theo các nhà nghiên cứu, đối với nông dân trồng chuối, thì ứng dụng này chính là hy vọng. Họ khẳng định: “Đây không chỉ là một ứng dụng, mà là một hệ thống cảnh báo sớm, trực tiếp cung cấp hỗ trợ cho các hộ nông dân.”

Theo Quartz

Các tin khác