Mặc dù người dân đã có một số biện pháp diệt trừ, nhưng loại ốc sên này vẫn sinh sôi nhanh chóng, xuất hiện với số lượng lớn và phá hoại cây trồng khiến cho nhiều nông dân ở xã Quảng Tâm đang hết sức lo lắng.
Hàng ngàn con ốc sên nhỏ đã tấn công, hủy hoại 3 sào chanh dây của gia đình ông Tĩnh
Những ngày qua, hàng loạt con ốc sên nhỏ đã tấn công, phá hoại 3 sào chanh dây đang bước vào thời kỳ thu hoạch của gia đình ông Lê Văn Tĩnh, ở thôn 5, xã Quảng Tâm. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, trên mặt đất ở vườn chanh dây của gia đình ông Tĩnh, loại ốc sên này xuất hiện với mật độ dày đặc. Trung bình, 1 m2 lên đến cả trăm con ốc sên nhỏ.
Ông Lê Văn Tĩnh phải ngậm ngùi chặt bỏ 3 sào chanh dây chuẩn bị bước vào thời kỳ kinh doanh do bị ốc sên nhỏ pha hoại
Quan sát bên ngoài, loại ốc sên này màu nâu, khi còn nhỏ đường kính khoảng 3-4mm, khi lớn lên có thể đạt mức 2-3cm. Theo ông Tĩnh, cách đây hơn 1 tháng, loại ốc sên này xuất hiện đầu tiên ở vườn chanh dây, với số lượng hàng ngàn con. Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng đã ăn hết lá vườn chanh dây của gia đình. Ở phần trái, ốc sên không tấn công, nhưng chất nhớt của nó cũng làm cho trái chanh dây bị hư hỏng, không phát triển được.
Ốc sên nhỏ chủ yếu tấn công các loại cây ràu màu, ngắn ngày
Trước tình hình trên, ông Tĩnh đã phải chặt bỏ 3 sào chanh dây đang chuẩn bị bước thời kỳ kinh doanh, thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Sau khi chặt bỏ vườn chanh dây, ông Tĩnh đã chủ động đi mua thuốc diệt ốc về rải khắp vườn tược, nhưng loại ốc sên này vẫn phát triển mạnh.
Mặc dù đã mua thuốc rải khắp vườn, bắt giết nhưng ốc sên nhỏ ở gia đình ông Tĩnh vẫn sinh sôi, nảy nở với số lượng lớn
Ông Tĩnh cho biết: Mấy ngày gần đây, tôi đã mua 5 bịch thuốc diệt ốc về rải trên phạm vi hơn 1ha. Thế nhưng, loại thuốc diệt ốc ở địa phương đang bán không hiệu quả, chỉ giết chết được một bộ phận nhỏ. Loại ốc sên này nhanh chóng sinh sôi, nảy nở với số lượng rất nhanh. Không còn chanh dây, loại ốc sên này đã quay sang tấn công các loại cây trồng khác của gia đình như cây bắp, bơ, mít do gia đình tôi mới trồng. Loại ốc sên này chủ yếu ăn lá, khi cây trồng mất hết lá thì mất khả năng hô hấp và sẽ bị chết từ từ.
"Ngoài việc mua thuốc về rải khắp vườn, gia đình tôi còn tập trung công sức bắt, giết nhưng không sao kiểm soát được số lượng ốc sên nhân đàn”, ông Tĩnh lo lắng.
Ốc sên nhỏ xuất hiện với số lượng lớn ở vườn rẫy gia đình ông Lê Văn Tĩnh
Ông Nguyễn Hữu Tao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Tâm cho biết, loại ốc sên này chủ yếu xuất hiện ở trên địa bàn thôn 5 của xã. Hiện đã có 8 hộ gia đình phản ánh bị loại ốc sên này tấn công, phá hoại cây trồng, chủ yếu các loại cây hoa màu, cây ngắn ngày. Trước thực tế trên, đơn vị đã xuống ghi nhận thực tế, báo cáo cho cơ quan chức năng nắm bắt tình hình.
Bà Phạm Thị Phượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức cho biết, hiện nay, đơn vị đã nhận được thông tin tại vườn rẫy của các hộ dân về tình trạng ốc sên nhỏ phá hoại cây trồng. Đơn vị đã cử cán bộ xuống nắm bắt tình hình, đồng thời hướng dẫn người dân cách tiêu diệt loại ốc sên nhỏ này. Trước đây, loại ốc sên nhỏ này cũng đã xuất hiện ở các vườn rau trên địa bàn huyện, nhưng số lượng không đáng kể. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ thực vật và người dân để tìm cách diệt bỏ, ngăn chặt sự phát triển của ốc sên nhỏ. Trong trường hợp vườn cây bị ốc sên nhỏ tấn công, người dân cũng cần nhanh chóng trình báo với chính quyền địa phương để được hỗ trợ ngăn chặn, diệt bỏ, tránh thiệt hại cho cây trồng.