Trưởng thành sâu keo mùa Thu. Ảnh: I.T.
Loài sâu này phát hiện lần đầu tại châu Á là ở Ấn Độ và tháng 7.2018. Kể từ thời điểm phát hiện, đến nay, loài sâu này lây lan rất nhanh và gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm. Hiện loài sâu này đã xuất hiện tại Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc.
Đây là loài sâu hại mới chưa phát hiện tại Việt Nam, được cảnh báo có khả năng phát tán vào Việt Nam và gây hại nghiêm trọng nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời.
Sâu non sâu keo mùa Thu. Ảnh: I.T
Sau khi xem xét về phân loại, tập tính gây hại, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị tên Tiếng Việt của loài sâu này là “sâu keo mùa thu”.
Để chủ động phát hiện, phòng ngừa xâm nhiễm và gây hại của loài sâu hại này, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các chi cục kiểm dịch thực vật vùng khẩn trương chỉ đạo các trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu trong vùng tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn loài sâu keo mùa thu trên các lô hàng cây, cỏ là ký chủ của loài sâu này được nhập khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong trường hợp nghi ngờ cần lấy mẫu gửi ngay về Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật.
Sâu keo mùa Thu gây hại trên bắp ngô. Ảnh: I.T
Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật xây dựng tài liệu để hướng dẫn các cơ quan kiểm dịch thực vật và cán bộ bảo vệ thực vật các tỉnh về lấy mẫu giám định loài sâu hại này.
Các trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu phối hợp với các đơn vị của cục điều tra phát hiện loài sâu keo mùa Thu trên các giống cây trồng nhập khẩu gieo trồng trong vùng phụ trách.
Triệu chứng gây hại của sâu keo mùa Thu trên cây ngô. Ảnh: I.T
Các trung tâm bảo vệ thực vật vùng phân công cán bộ, phối hợp với cơ quan trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường điều tra xác định sự xuất hiện gây hại của loài sâu keo mùa Thu trên đồng ruộng.
Theo CABI, sâu keo mùa Thu là loài sâu hại đa thực, chúng có thể gây hại trên 80 loại cây trồng, gây hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo như: ngô, lúa, kê và mía. Ngoài ra, cũng đã được phát hiện gây hại trên các loại cây rau, bông…
Sức tàn phá của loài sâu keo mùa Thu rất ghê gớm.
Sâu trưởng thành có chiều dài cơ thể 1,6 – 1,7cm, sải cánh 3,7 – 3,8cm; trứng đẻ thành bọc, mỗi bọc 150 – 200 trứng, quả trứng có hình cầu. Ấu trùng có màu xanh nhạt đến nâu sẫm.
Khi xuất hiện chúng sẽ ăn hết lá của các loại cây trồng.
Loài sâu keo mùa Thu đã được phát hiện gây hại tại các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ và một số nước châu Âu.
Tại châu Á, loài sâu nguy hiểm này đã xuất hiện ở nhiều nước như Ấn Độ, Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Yemen và Trung Quốc. Chính vì vậy, nguy cơ lây lan vào Việt Nam là rất cao.